Tân Hưng thực hiện tốt Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước
Tân Hưng là huyện có nhiều sông, ao hồ và những nơi này thường trở thành địa điểm vui chơi, giải trí của trẻ em vùng nông thôn trong mùa nắng nóng. Cho dù trẻ em không biết bơi lội hay biết bơi lội nhưng do sự chủ quan nên cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm của tai nạn.
Ngoài ra, môi trường sống chung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như sông, hồ, ao nước... không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Hơn nữa, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác đất tràn lan, sự vô ý thức của con người... đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm như hố lấy đất, hầm nuôi cá… không có hàng rào cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước. Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra trong các trường hợp: ngạt nước, những người không biết bơi ngã xuống nước, hoặc trẻ em ngã cắm đầu vào chậu nước hay bồn tắm; ngất đột ngột khi vừa tiếp xúc với nước; lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp bị ngạt; bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút rồi ngất đi… Các trẻ chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.
Vì vậy để không xảy ra tình trạng đuối nước ở trẻ em, 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Hưng đã triển khai thực hiện Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước đạt 100%. Số lượng trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn: 2.204/7.013 ( trong đó cấp tiểu học là 1.068 /4.257; THCS là 1.136 /2.756) Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiểu học đạt 25,08%; Trung học cơ sở trên địa bàn biết bơi và biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước đạt 41,21%. Có 1 cơ sở hoạt động kinh doanh bơi. Có 4.119/13.280 được tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, đạt tỷ lệ 31,02%.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện có công văn yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị trường học bố trí và phân công đầy đủ giáo viên thực hiện giảng dạy giáo dục thể chất phụ trách công tác thể dục thể thao gắn với công tác cứu nạn, phòng chống đuối nước trong trường học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của các cấp về công tác phòng chống đuối nước trong năm 2023, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cũng đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền và phối hợp các phòng, ban, ngành triển khai những công tác liên quan đến công tác phòng chống đuối nước trong trường học, cụ thể: Kế hoạch số 910/KH-UBND ngày 14/4/2023 về Triển khai chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2023 trên địa bàn huyện Tân Hưng; Công văn số 1161/UBND-VX ngày 17/5/2023 về việc bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng chống đuối nước cho trẻ em. Qua đó, 100% các đơn vị trường học tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh, về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đặc biệt là tai nạn đuối nước trẻ em; tuyên truyền vận động cha mẹ, người chăm sóc trẻ thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình không để các em tổ chức vui chơi, đi tắm mà không mặc áo phao, không có sự giám sát của người lớn biết bơi, đặc biệt các đơn vị trường học ở các vùng sâu, vùng xa… Tuyên truyền nhắc nhở các em thực hiện các biện pháp phòng chống đuối nước, thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thuỷ, đảm bảo an toàn cho các em trong dịp hè.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: treo 20 băng rol, khẩu hiệu, tranh ảnh, phát clip về kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa điểm tổ chức Lễ phát động. Nội dung khẩu hiệu tuyên truyền: "Toàn dân tham gia phòng, chống đuối nước trẻ em", "Học bơi để phòng, chống đuối nước", "Học bơi để nâng cao sức khỏe và phát triển thể lực tầm vóc"; "Học bơi để an toàn trong môi trường nước"; "Cả nhà biết bơi". Tổ chức 60 buổi tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt là trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa, lũ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cộng đồng về phòng, chống đuối nước trẻ em; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em; tuyên truyền các biện pháp, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho trẻ em bị đuối nước. Cung cấp tài liệu chuyên môn về các kỹ thuật bơi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc lồng ghép những kiến thức cơ bản về công tác tuyên truyền, hướng dẫn học sinh kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước của trẻ em vào chương trình hoạt động ngoại khoá.
Trong năm 2023, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện xây dựng kế hoạch tổ chức lớp dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em huyện Tân Hưng nhằm giáo dục trẻ em thấy rõ ý nghĩa, tác dụng của việc học bơi. Qua đó có 140 người tham gia, trong đó có 60 trẻ em. Xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền hướng dẫn học sinh kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước, đối với trẻ em, học sinh trên địa bàn huyện với nội dung cụ thể: Các nguyên nhân cách nhận biết nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh. Các kỹ năng phòng tránh, tai nạn đuối nước khi các em tham gia sinh hoạt trong đời sống hàng ngày; kỷ năng xử lý khi thấy một bạn hay nhiều bạn bị đuối nước. Kỹ năng cứu đuối nước an toàn cho trẻ em, học sinh nhằm tránh những vụ đuối nước tập thể và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu đối với người bị đuối nước hoặc bất tỉnh khi gặp tai nạn thương tích; Các phương pháp cứu đuối khi gặp người bị nạn. Nhờ thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, nên trong năm 2023, trên địa bàn huyện Tân Hưng không xảy ra tình trạng đuối nước ở trẻ em.
Đạt được kết quả này là nhờ các đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục học sinh những kỹ năng phòng chống đuối nước trong trường học thông qua các nội dung tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan in trên pano, áp phích… Với hình thức này cơ bản cũng đã giúp cho học sinh nắm bắt thêm những kiến thức về phòng chống đuối nước, năng cao ý thức bản thân về phòng tránh các yếu tố nguy cơ đuối nước. Ngành giáo dục đã chủ động nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hình thành hành vi đúng cho học sinh về việc tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống tai nạn đuối nước bảo đảm an toàn cho học sinh. Các nhà trường, lớp học tổ chức thường xuyên các hoạt động tuyên truyền và giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước bằng nhiều hình thức như thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, tuyên truyền phát thanh măng non, các buổi sinh hoạt lớp và hoạt động ngoại khoá… Qua đó, giúp mỗi học sinh biết và vận dụng được những kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trong cuộc sống để bảo vệ bản thân. Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Thủ trưởng các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo về phòng, chống tai nạn đuối nước đến các đoàn thể, cán bộ, giáo viên, nhân viên, Ban đại diện Cha mẹ học sinh và học sinh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh trong việc tuân thủ các quy định về phòng, chống tai nạn đuối nước, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong việc tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước đối với học sinh. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục triển khai bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn giáo dục phòng tránh đuối nước cho học sinh. Xây dựng các chuyên đề tuyên truyền, giáo dục: Phòng, chống đuối nước trên đường đi học, khi tham quan, dã ngoại, tắm biển, đi bơi, cứu đuối an toàn khi thấy bạn bị đuối nước… Song song đó, cần biểu dương, nhân rộng kịp thời những sáng kiến hay, mô hình tốt, đóng góp ý nghĩa của xã hội, gia đình, cộng đồng cho công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại địa phương.
Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ của riêng ai, mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em; thường xuyên tuyên truyền trên loa phóng thanh ở các xã, thị trấn. Tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão, thời gian nghỉ hè; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em. Tuyên truyền sử dụng các trang thiết bị an toàn để phòng chống đuối nước cho học sinh như: Mặc áo phao, sử dụng phao cứu sinh trên các phương tiện giao thông đường thuỷ, khi tắm, khi bơi trên sông, ao, hồ phải có người lớn đi cùng.
Tiếp tục quán triệt trong toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường nhận thức được công tác phòng phòng, chống đuối nước là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của nhà trường, mọi người ai cũng phải có trách nhiệm phòng chống và ngăn chặn. Tổ chức tập huấn cho CBGV, NV biết cách sơ cứu các tình huống khi tai nạn đuối nước xảy ra. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức và hướng dẫn các biện pháp giúp trẻ tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước. Tổ chức các chương trình nội dung giáo dục kĩ năng sống các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường. Qua đó rèn cho các em các kỹ năng sống, kĩ năng phòng tránh đuối nước.
Tai nạn đuối nước ở trẻ em là nỗi lo không của riêng ai. Chính vì vậy, ngoài sự vào cuộc của nhà trường, xã hội và ngành chức năng thì chính sự quan tâm từ phía gia đình sẽ là yếu tố quan trọng giúp trẻ em có kĩ năng tốt hơn, tránh được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Hà Phương