image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Lịch sử

LỊCH SỬ

Huyện Tân Hưng thuộc tỉnh Long An được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Vĩnh Hưng theo Nghị định số 27/CP, ngày 24/3/1994 của Chính phủ, bao gồm: 1 thị trấn Tân Hưng trung tâm huyện và 11 xã gồm: 3 xã biên giới giáp nước bạn Campuchia là Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà và 8 xã nội địa là Hưng Thạnh, Thạnh Hưng, Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B, Vĩnh Bửu, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi và Vĩnh Thạnh.

Vùng đất Tân Hưng ngày nay, xưa kia thuộc vùng 8 Kiến Tường, đây là vùng đất đầm lầy và cỏ dại, xen lẫn với đó là những khu rừng tràm bạt ngàn, là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã như hổ, voi, nai, khỉ, heo rừng, cá sấu, chim, cá, rắn, rùa, cua đinh…Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử vùng đất này có nhiều thay đổi cả về tên gọi và tổ chức hành chính.

Trong những năm kháng chiến chống kẻ thù xâm lược vùng đất này là nơi căn cứ địa cách mạng, là một trong những chiến khu quan trọng nhất, nơi để ông cha ta dừng chân tạm lánh, phục hồi, nuôi dưỡng lực lượng và sẳn sàng chiến đấu, tiêu diệt địch. Nhiều trận đánh lớn ở đây làm cho kẻ thù khiếp sợ và đã đi vào lịch sử cho đến hôm như trận đánh Gò Gòn ở xã Hưng Thạnh hay trận đánh Khu vực kênh Nguyễn Văn Trổi ở xã Hưng Điền B…Qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc huyện Tân Hưng đã có hơn 660 người con ưu tú đã hy sinh; có 43 mẹ VNAH, có 2 tập thể và 2 cá nhân được tuyên dương anh hùng LLVTND. Các anh đã tô thêm trang sử vàng của dân tộc, là tấm gương bất khuất cho các thế hệ mai sau noi theo. Từ những chiến công oanh liệt đó đã hình thành nên bộ phim " Cánh đồng hoang" nổi tiếng ở Việt Nam và đạt giải quốc tế, đạo diễn bộ phim này cũng chính là người con của đất Tân Hưng, cố đạo diễn Hồng Sến, quê ở xã Vĩnh Đại.

Sau khi thống nhất đất nước, nhất là trong những năm 1980 Đảng, Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh khai hoang vùng Đồng tháp mười, trong đó tập trung đẩy mạnh đưa dân về vùng đất này khai hoang, phục hóa, mở rộng kênh mương nội đồng, trong đó đáng kể nhất là hình thành nên kênh Hồng Ngự, chính con kênh này đã tạo nên sức bật của vùng nông nghiệp lúa nước nơi đây. Đây là một trong những chủ trương quan trọng, góp phần cùng với cả nước đưa nước ta từ một nước thiếu lương thực thành một nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nhì thế giới.

Lúc đầu khi mới thành lập vùng đất Tân Hưng còn nhiều diện tích hoang hóa, kỹ thuật canh tác lúa còn ở mức độ thấp, từ đó đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Song với ý chí tự lực, tự cường, sự lãnh đạo, quản lý tập trung của cả hệ thống chính trị, tận dụng tối đa sự giúp đở của trên và nhất là sự khơi dậy tính cần cù lao động, kiên trì bám đất, quyết tâm đổi đời của từng người một đã giúp Tân Hưng vươn lên vượt bật, từng bước sánh vai cùng nhiều địa phương khác.

Hiện nay, huyện Tân Hưng có diện tích tự nhiên 49.670,8 hecta, dân số hơn 52 ngàn nhân khẩu, mật độ dân số trung bình 105 người/km2, là huyện có mật độ dân số thưa của tỉnh Long An. Nhân dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và một số ít chăn nuôi, thủy sản. Hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ từng bước phát triển, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nhân dân. Các hoạt động văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, huyện đã có 4 xã đạt chuẩn văn hóa gồm Vĩnh Thạnh, Vĩnh Đại, Hưng Điền và thị trấn Tân Hưng. Phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động rộng khắp, luôn được nhân dân đồng tình hưởng ứng, thế và lực mới luôn được mở rộng và phát huy hiệu quả, làm cho Tân Hưng phát triển ngày càng bền vững hơn./.

Thư viện ảnh