image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Di tích – Danh thắng

1. Di tích:

1.1. Trận Gò Gòn (02/1960):

   Gò Gòn là loại gò cao ở vùng rìa vùng đồng Tháp Mười, nay thuộc ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

   Theo lời kể của người địa phương, trước đây những lớp người đầu tiên đến đây khai hoang lập ấp họ đã thấy trên gò đất cao giữa cánh đồng ngập nước trũng thấp có một cây gòn rất lớn, tàn lá xum xuê, thân cây 3 người ôm không xuể. Vì vậy, người xưa đặt tên cho gò đất này là Gò Gòn và lưu truyền cho đến ngày nay. Địa điểm cây gòn mọc là đỉnh cao nhất của gò và cũng là điểm khảo sát và khai quật khảo cổ của Long An năm 1989.

   Tại đây, vào ngày 03/02/1960, quân và dân địa phương đã phối hợp với 2 đơn vị cơ động 402 và 408 Kiến Tường đã phục kích và đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn chủ lực Ó đen cùng đại đội Bảo an Quận Tuyên Bình, tiêu diệt 50 tên, làm  bị thương 70 tên, bắt sống 21 tên, thu nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Chiến công này đã tô đậm thêm thành tích sống, chiến đấu của đất và người Tân Hưng nói riêng cũng như Long An nói chung, thời kỳ 21 năm đánh Mỹ, diệt Ngụy.

   Với những giá trị lịch sử to lớn trên, di tích lịch sử Gò Gòn xứng đáng được Nhà nước quan tâm, bảo vệ, tôn tạo và phát huy trong việc giáo dục truyền thống cách mạng tại địa phương.

1.2. Trận kênh Nguyễn Văn Trỗi (04/1968)

   Di tích có tên gọi là " Khu vực kênh Nguyễn Văn Trỗi". Kênh đào Nguyễn Văn Trỗi có chiều dài 4,5 km, ngày nay thuộc địa phận ấp Ngã Tư, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

   Sở dĩ gọi là kênh Nguyễn Văn Trỗi là vì trong kháng chiến chống Mỹ, việc đặt tên những con kênh mới đào mang tên các anh hùng liệt sĩ có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm, động viên tinh thần chiến đấu, quyết tâm bảo vệ quê hương đất nước.

   Mặt khác, khu vực kênh Nguyễn Văn Trỗi nằm trong hành lang chiến lược hết sức quan trọng trong việc vận chuyển lương thực, vũ khí, quân dụng… từ biên giới xuống chiến trường khu 8. Vì vậy, Mỹ, ngụy đã phong tỏa ngày đêm khu vực này bằng lực lượng biệt kích kết hợp với bảo an và dân vệ trong vùng. Được sự chỉ đạo của quân khu 8, Tiểu đoàn 504 Kiến Tường tổ chức trận đánh tiêu diệt gọn tiểu đoàn biệt kích "Trâu len" vào ngày 20/4/1968, khai thông tuyến hành lang chiến lược, góp phần vào việc bẻ gãy chiến lược " Chiến tranh cục bộ" của Mỹ ngụy trên địa bàn Kiến Tường và chiến trường Nam bộ.

   Di tích lịch sử khu vực  kênh Nguyễn Văn Trỗi phản ánh chiến công của Tiểu đoàn 504 Kiến Tường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngụy của quân dân Kiến Tường, để lại những giá trị lịch sử lưu lại cho thế hệ mai sau.

2. Danh thắng: Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen:

   Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen thuộc huyện Tân Hưng tỉnh Long An. Đây là khu bảo tồn có hội tụ đầy đủ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, sinh thái đa dạng, cảnh quan phong phú, là khu đặc trưng tiêu biểu của vùng Đồng Tháp Mười, đây được xem là điểm du lịch đầy hứa hẹn, tiềm năng và là khu ngập nước độc đáo và hiếm có.

   Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là một trong 2 khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều sinh cảnh đặc trưng còn sót lại của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười. Động, thực vật trong khu vực Láng Sen có tới 156 loài thực vật hoang dã, hơn 150 loài động vật có xương sống. Do đặc điểm của Láng Sen có nhiều kênh rạch nên nguồn thủy sản khá đa dạng, phong phú như cá lóc, cá bông, cá tra, cá hô…Từ đó, có rất nhiều loài chim đến đây sinh sống. Theo khảo sát của các nhà chuyên môn, hàng năm có đến 122 loài chim, số lượng cá thể lên đến trên 20 ngàn con mỗi năm, trong đó có một số loài quý hiếm như sếu đầu đỏ, giang sen, điên điển, cò nhạn…Hệ thực vật nổi có cấu trúc loài tương đồng với 144 loài, 37 họ, 35 bộ thuộc 6 ngành tảo.

   Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có diện tích 5.030 hecta, bao gồm cả khu bảo tồn sinh thái rừng tràm Đồng Tháp Mười, Lâm trường Vĩnh Lợi và một phần diện tích xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại. Khu vực Cái He được chọn làm trung tâm vùng lõi của Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vì đây là nơi các loài thủy sản tự nhiên tập trung sinh sản. Theo các nhà khoa học, Láng Sen với sự đa dạng về sinh cảnh được đánh giá là dấu vết cảnh quan còn lại của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười ở hạ lưu châu thổ sông Mêkong. Mặc dù nằm trên khu vực trũng nhưng Láng Sen tọa lạc gần với triền phù sa cổ chạy dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Đây là một trong những khu vực điểm của dự án bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học đất ngập nước lưu vực sông Mêkong. Dự án này nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa 4 nước Lào-Việt Nam-Campuchia và Thái Lan về đa dạng sinh vật đất ngập nước. Chịu sự chi phối bởi tính đa dạng của trầm tích, thổ nhưỡng và hệ thống sông rạch nên Láng Sen mang đầy đủ đặc tính chung của cảnh quan Đồng Tháp Mười như: Cảnh quan thảm thực vật thân gỗ chịu ngập ven sông, bãi lầy ven sông, các lung, láng, sông cỏ. Vùng ngập nước này đã tạo nên vùng sen, súng với hơn 70 hecta. Các hệ sinh thái khá phong phú như quần xã cỏ mồm mốc, quần xã năn ống, đặc biệt là lúa ma, với diện tích trên 30 hecta. Đây là một trong những nguồn gen quý hiếm của Việt Nam hiện đang sinh trưởng và phát triển tại Láng Sen.

   Ai đến Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen một lần mới thấy hết sự tĩnh lặng nên thơ của vùng đất ngập nước. Phương tiện duy nhất để đến Láng Sen là những chiếc xuồng máy lướt nhẹ trên dòng kênh trong vắt. Láng Sen sẽ đưa du khách hòa mình cùng thiên nhiên với cánh rừng tràm bạt ngàn, với cánh đồng sen thơm ngát, với đồng cỏ, đồng lúa hoang trải dài. Một Đồng Tháp Mười thu nhỏ trong tầm mắt, không gian hoang sơ, tĩnh lặng. Dạo quanh Láng Sen trong thoang thoảng hương tràm, hương sen để cảm nhận sự bình yên vốn có của một vùng quê. Láng sen là vậy, mộc mạc, chân chất như chính tấm chân tình của những con người Đồng Tháp Mười. Thong dong trên những chiếc xuồng, chiếc võ lãi, đắm mình với thiên nhiên để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu bảo tồn, để hả hồn theo đàn cò trắng, để ngắm nhìn những tổ dòng dọc đu đưa trên ngọn tràm. Đến với Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, du khách còn được sống trong không gian của những ngày xưa khi tham gia cắt lúa ma. Mùa nước nổi, Láng Sen còn chào đón du khách với những món đặc sản của miền sông nước như canh chua bông điên điển, bông súng, cá lóc nướng trui cuốn lá sen non…

   Láng Sen-điểm du lịch sinh thái lý tưởng, bởi ở đây còn giữ trọn vẹn những nét hoang sơ của một vùng đất ngập nước để du khách có thể hòa mình với thiên nhiên, để chợt nghe lòng thanh thản, nhẹ nhàng.

Thư viện ảnh