image banner
Tân Hưng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025
Lượt xem: 119

Kế thừa và phát huy những kết quả thực hiện Chương trình phát triên nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, thời gian qua, UBND huyện Tân Hưng tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 30/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về nâng cao, mở rộng diện tích thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 06) đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Anh-tin-bai

Tân Hưng là một trong những huyện biên giới thuộc khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An. Việc phát triển kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào nền sản xuất nông nghiệp, trong đó cây lúa là cây trồng chủ lực của huyện, với diện tích gieo sạ hằng năm là 74 ngàn ha, sản lượng lương thực đạt khoảng 450 ngàn tấn/năm. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng Chương trình số 07, ngày 08/8/2016 để thực hiện Nghị quyết 08 ngày 04/3/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo thực hiện Chương trình và kết thúc giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện, đã thực hiện được 04 ngàn 653 ha, đạt trên 103% Nghị quyết. Với những kết quả đạt được chính là nền tảng, tiền đề, điều kiện thuận lợi để thực hiện Nghị quyết số 11, ngày 14/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An và Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 06, hằng năm UBND huyện ban hành các Kế hoạch để thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết số 06 và ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai cụ thể. Đồng thời, huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của Nhân dân về Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bằng các hình thức như: Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện ưu tiên bố trí thời lượng để phát tin, bài tuyên truyền về chủ trương, Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện đến với mọi người dân để biết và tham gia thực hiện; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn huyện tổ chức triển khai về chính sách hỗ trợ của Chương trình được 25 cuộc, với 733 người tham dự; tổ chức 25 lớp tập huấn thực hiện các mô hình, với trên 700 nông dân tham dự. Đến nay, nhân dân đã duy trì và nhân rộng diện tích ứng dụng công nghệ cao đã thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 được 14 ngàn 710 ha, đạt 94,5% Nghị quyết.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng phục vụ vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được huyện quan tâm đầu tư, qua thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 đã đạt được những kết quả khả quan: Các mô hình điểm, các diện tích được duy trì và nhân rộng đều giảm lượng giống trung bình 20 kg/ha nên lúa ít sâu bệnh, góp phần giảm chi phí đầu tư, đạt lợi nhuận cao hơn diện tích nhân dân sản xuất thông thường từ 03-05 triệu đồng/ha; các mô hình điểm đều sử dụng phân bón hữu cơ, giảm lượng phân bón URE hoặc DAP từ 20-50kg/ha, việc sử dụng phân bón hữu cơ làm cây lúa giữ màu lâu, khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, hạt lúa đẹp thân thiện môi trường góp phần tạo ra sản phẩm an toàn và năng suất thu hoạch vẫn đạt cao hơn ngoài mô hình.

Ngoài ra, một số mô hình điểm sử dụng thuốc sinh học để ký sinh rầy nâu, tiêu diệt rầy nâu góp phần tạo ra sản phẩm an toàn; các diện tích duy trì và nhân rộng đã giảm được giống, áp dụng quy trình canh tác “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng” vào sản xuất làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân sau thu hoach.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 06, huyện cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế đó là: Nguồn vốn thực hiện hạn chế so với nhu cầu phục vụ Chương trình liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao; chuỗi cung ứng sản xuất - tiêu thụ nông sản chưa đảm bảo xuyên suốt, nhất là những thời điểm diễn biến xã hội bất lợi làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, tiêu thụ và tác động xấu đến tâm lý đầu tư của người dân; một số mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm vẫn còn tình trạng không tuân thủ Hợp đồng liên kết giữa 02 bên, ảnh hưởng đến việc nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; giá lúa trong mô hình ứng dụng công nghệ cao được doanh nghiệp thu mua có cao hơn giá lúa so với diện tích bên ngoài, tuy nhiên mức chênh lệch này còn thấp, chưa đủ sức thu hút người dân tham gia sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư, nhưng từng lúc, từng nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là đường điện 3 pha, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất; hiện tại có một số nông dân chưa quen sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học để trừ rầy nên chưa mạnh dạn áp dụng vào sản xuất; các mô hình nhân rộng chưa gắn kết được sản xuất với tiêu thụ nên chưa thu hút được nhiều nông dân tham gia…

Để phấn đấu đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 06, thời gian tới huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện liên kết sản xuất, thực hiện tốt 6 mô hình nhân rộng ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa vụ Hè Thu năm 2024. Tập trung rà soát để có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ củng cố toàn diện hoạt động các Hợp tác xã nông nghiệp. Kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; kêu gọi các nhà đầu tư tham gia để nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là trong vùng lúa ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đến từng hộ dân, nhất là các hộ dân trong vùng triển khai thực hiện Chương trình liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao Đề án 06 nắm rõ chủ trương, quan điểm của tỉnh, huyện trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời, chuẩn bị tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

 Tăng cường vận động Nhân dân mạnh dạn giảm lượng giống gieo sạ còn dưới 100kg/ha để giảm chi phí, hạn chế sâu bệnh theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xác định đây là tiêu chí để xem xét hỗ trợ thực hiện mô hình ứng dụng sản xuất lúa công nghệ cao trên địa bàn huyện. Tập trung củng cố tổ chức hoạt động của các THT, HTX hiện có; giới thiệu các doanh nghiệp có năng lực thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản và tạo điều kiện cho các THT, HTX hoạt động có hiệu quả hơn.

Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ như: Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch của Trung ương, tỉnh... đồng thời lồng ghép thực hiện hỗ trợ từ nguồn vốn thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia, các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên để phát triển sản xuất trong vùng thực hiện Đề án. Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, giao thông, thủy lợi nội đồng, điện 3 pha theo danh mục đã được phê duyệt để từng bước đáp ứng yêu cầu ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất và vận chuyển hàng hóa được thuận lợi. Đẩy mạnh công tác tập huấn nhằm trang bị và nâng cao kiến thức chuyên ngành và cập nhật thông tin về tiến bộ kỹ thuật mới cho đội ngũ cán bộ huyện, xã. Tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ các hợp tác xã và nông dân sản xuất theo hướng canh tác tiên tiến, hiệu quả./.

Duy Phước
THÔNG BÁO
 
BẢN ĐỒ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
THƯ VIỆN ẢNH
"