image banner
Báo cáo kết quả thực hiện Chuyển đổi số năm 2024
Lượt xem: 46
0:00 / 0:00
Giọng nữ miền Nam

BÁO CÁO

Kết quả thực hiện Chuyển đổi số năm 2024

 

 


Xác định quan điểm chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện; là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, huyện Tân Hưng đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2024 huyện đã tập trung triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cụ thể như sau:

Về Nhận thức số

- Tổ chức cuộc thi ảnh video “Câu chuyện Chuyển đổi số” năm 2024 hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia ngày 10/10/2024 với mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng và lựa chọn ảnh video clip xuất sắc nhất sử dụng trong công tác thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số trên địa bàn huyện. Có 68 tác phẩm tham gia dự thi, trong đó có 53 tác phẩm dự thi hạng mục ảnh và 15 tác phẩm tham gia hạng mục video. Các tác phẩm đạt giải được đăng tải chia sẻ trên Trang thông tin điện tử huyện, các nền tảng mạng xã hội Zalo, FanPage “Truyền thông Tân Hưng” thu hút trên 17 ngàn lượt like và trên 01 ngàn lượt chia sẻ, góp phần lan tỏa thông điệp của Ngày Chuyển đổi số năm 2024 và tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số của các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

- Tổ chức Họp mặt Ngày chuyển đổi số quốc gia. Tại buổi họp mặt, đại biểu được nghe các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT giới thiệu các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số. Họp mặt là dịp giao lưu, gặp gỡ nhằm nắm bắt tình hình tổ chức hoạt động của các Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện thời gian qua; là dịp để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số; phổ biến kiến thức, sử dụng các nền tảng, kỹ năng số; cũng như nắm bắt định hướng hoạt động của huyện đối với công tác chuyển đổi số trong thời gian tới.

- Thường xuyên cập nhật chia sẻ các tin tức, bài viết, video, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn về chuyển đổi số, an toàn thông tin,…. trên các trang thông tin điện tử cấp huyện và cấp xã, các trang Zalo O A, các nhóm Zalo,…

- Mở chuyên mục tuyên truyền định kỳ hàng tuần về chuyển đổi số trên hệ thống truyền thanh cơ sở.

Tồn tại, hạn chế:

- Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia ở một số cơ quan, đơn vị và địa phương còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu.

Về Thể chế số

- Trong năm 2024, UBND huyện đã ban hành 15 quyết định; 14 kế hoạch và 21 văn bản chỉ đạo nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ chuyển đổi số, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương ưu tiên các nguồn lực, tập trung thực hiện thoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch của huyện đã đề ra.

Tồn tại, hạn chế:

- Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa xây dựng ban hành, cụ thể hóa kịp thời đầy đủ các văn bản, hướng dẫn, quy chế, quy định do UBND huyện ban hành để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số, đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Về Hạ tầng số

- Triển khai Kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn huyện Tân Hưng năm 2024 ưu tiên phát triển hạ tầng số để phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của huyện.

- Tỷ lệ thuê bao điện thoại thông minh trên tổng thuê bao đạt 85,97%.

- Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng thông rộng cáp quang đạt 90,09%.

100% các cơ quan đơn vị huyện, UBND các xã, thị trấn đều được trang bị đầy đủ các loại máy in, máy scan, máy photo, máy tính có cấu hình từ trung bình trở lên,... và hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin đảm bảo phục vụ nhu cầu công việc và công tác quản lý và điều hành.

- Phối hợp với Viettel Long An tiến hành kiểm tra kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng nội bộ đảm bảo theo mô hình hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông tại các phòng ban chuyên môn, trung tâm Hành chính công huyện, UBND các xã, thị trấn.

- Huyện có 16 điểm Wifi công cộng được đặt tại trụ sở UBND, Trung tâm Văn hóa thể thao và học tập cộng đồng và trạm Y tế các xã, thị trấn phục vụ người dân.

Tồn tại hạn chế

- Tiến độ chỉnh trang, làm gọn cáp viễn thông treo trên cột điện trên địa bàn huyện Tân Hưng của các doanh nghiệp viễn thông chưa đảm bảo theo Kế hoạch huyện đã đề ra.

- Hệ thống mạng nội bộ (mạng LAN) ở một số đơn vị, địa phương sau thời gian dài sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp chưa đảm bảo việc thực hiện kết nối 100% máy tính của đơn vị vào mạng truyền số liệu chuyên dùng theo mô hình hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.

Về Dữ liệu số

- Tiếp tục cập nhật cung cấp dữ liệu và khai thác có hiệu quả các phần mềm dữ liệu chuyên ngành của cấp trên triển khai.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn huyện năm 2024. Đẩy mạnh tiến độ thu nhận và kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt 85,81%.

- Khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa điện tử. Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và tái sử dụng dữ liệu số hóa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

- Tổ chức điều tra thu thập thông tin về chuyển đổi số của 12411 hộ gia đình ở 12 xã, thị trấn và cập nhật cơ sở dữ liệu tổng thể cấp xã lên hệ thống phần mềm chuyển đổi số cấp xã phục vụ công tác quản lý và điều hành thông minh cấp xã.

Tồn tại hạn chế

- Việc tổ chức điều tra thu thập thông tin chuyển đổi số các hộ gia đình ở xã Hưng Điền B chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (chỉ điều tra được 1120 hộ trên 1817 hộ đạt tỷ lệ 61,64%); Một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo cán bộ, công chức chuyên môn cập nhật dữ liệu lên hệ thống phần mềm chuyển đổi số cấp xã như: Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại, Vĩnh Châu B, Hưng Thạnh.

Về Nền tảng số

- Tiếp tục chỉ đạo khai thác sử dụng có hiệu quả các nền tảng số quốc gia đã được công bố, triển khai.

- Tuyên truyền, giới thiệu cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp nắm các lợi ích, thông tin, chức năng, tiện ích của Nền tảng công dân số “Long An Số” để cài đặt, trải nghiệm, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày trên môi trường số; triển khai ứng dụng Long An IOC cho cán bộ lãnh đạo phục vụ theo dõi các chỉ số chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.

- Tuyên truyền cho CBCC và người dân sử dụng ứng dụng i-Speed để đo tốc độ mạng di động nâng cao chất lượng dịch vụ di động 4G.

Tồn tại hạn chế

- Số lượng người dân cài đặt và sử dụng Nền tảng công dân số “Long An số” còn hạn chế. Số lượt và địa điểm đo tốc độ mạng đi động 4G trên ứng dụng i-Speed hàng tháng tại các địa phương còn thấp.

Về Nhân lực số

- Hiện nay, huyện có 02 chuyên viên quản lý về công nghệ thông tin có trình độ Đại học; Tỷ lệ công chức có chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản là 100%.

- Tiếp tục thực hiện việc kiện toàn Tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp, khu phố (54 tổ với 281 thành viên) tổ chức các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn người dân về chuyển đổi số, các kỹ năng số, an toàn thông tin mạng,…

- Tổ chức nói chuyện chuyên đề “Phụ nữ, Gia đình và Bình đẳng giới trong thời đại công nghệ số” nhân họp mặt kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 và 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cho gần 200 đại biểu nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

- Tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số an toàn thông tin cho cán bộ công chức, viên chức và thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 250 học viên.

- Triển khai bồi dưỡng trực tuyến các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho 569 đối tượng gồm: thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số huyện; nhân sự phụ trách công tác chuyển đổi số; CBCCVC cấp huyện; CBCC cấp xã và thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng các ấp, khu phố trên nền tảng trực tuyến do Sở Thông tin và Truyền thông và Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai.

- Cử cán bộ công chức tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Tồn tại hạn chế:

- Đa số nhân sự phụ trách chuyển đổi số không có trình độ chuyên môn về CNTT, hạn chế trong công tác tham mưu dẫn đến mức độ am hiểu về chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa đầy đủ, lúng túng trong quá trình triển khai nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Về An toàn thông tin mạng

- Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn hệ thống lại mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp xã, cài đặt phần mềm phòng chống mã độc trên các máy tính, tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng và triển khai các biện pháp đảm an toàn thông tin cấp độ theo hướng dẫn, chỉ đạo của Sở Thông tin và Truyền thông.

- Số lượng máy tính được cài đặt phần mềm phòng chống mã độc tập trung BCY là 140 máy.

- Ban hành Quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng huyện Tân Hưng quy định việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện; thiết lập hồ sơ đề xuất cấp hộ hệ thống mạng LAN của UBND huyện và UBND các xã, thị trấn, đồng thời khai báo trên hệ thống an toàn thông tin của Cục an toàn thông tin và đã được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phê duyệt 13/13 hệ thống.

Tồn tại hạn chế

- Ý thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức về việc chấp hành bảo đảm an toàn thông tin mạng, đặc biệt trong việc sử dụng tài khoản của các hệ thống thông tin dùng chung đã được cấp phục vụ công việc còn hạn chế. Tình trạng máy tính không cài đặt phần mềm phòng chống mã độc và lưu tài khoản và mật khẩu trên trình duyệt vẫn còn.

Về Chính quyền số

- Khai thác có hiệu quả các phần mềm dùng chung, các hệ thống đã được triển khai đáp ứng yêu cầu quản lý và điều hành.

- Tỷ lệ công chức sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành trong xử lý công việc trong quý 1 đạt 98,4%, quý 2 đạt 99,55%, quý 3 99,78%, quý 4 đạt 97,54%; trong năm vẫn còn 22 tài khoản không xử lý văn bản.

- Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử và ký số cấp huyện đạt 100%. Đa số các cơ quan, đơn vị địa phương thực hiện nghiêm túc việc trao đổi văn bản điện tử và ký số.

- Tỷ lệ hồ sơ công việc điện tử được tạo lập của các đơn vị trực thuộc: Cấp huyện: đạt 90,32%; cấp xã đạt 93,54%

- Tỷ lệ hồ sơ TTHC đã giải quyết đúng hạn đạt 99% (trong đó hồ sơ giải quyết trước hạn đạt tỷ lệ 50,39%)

- Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến cấp huyện đạt 98,53% và cấp xã đạt 100%.

- Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 73,92%.

- Tỷ lệ nộp hồ sơ TTHC trực tuyến đạt: 99,35%

- Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở cấp huyện đạt 100%; cấp xã: scan hồ sơ đạt: 99,97%, scan kết quả đạt: 99,93%

- Tổng số thư điện tử được cấp 266 địa chỉ. Tỷ lệ thư điện tử được sử dụng thường xuyên hàng tháng đạt khoảng 90%.

- Phối hợp với VNPT Long An tiến hành mở 02 lớp tập huấn sử dụng hệ thống Trang thông tin điện tử cho thành viên Ban Biên tập Trang thông tin điện tử của huyện và các xã, thị trấn. Chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, điều hành và đảm bảo cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin trên Trang thông tin điện tử của đơn vị theo Nghị định 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ, ra quyết định thành lập Ban Biên tập, ban hành Quy chế hoạt động.

Các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả các phần mềm chuyên ngành trong công tác quản lý và điều hành.

Tồn tại hạn chế

- Vẫn còn các cá nhân, tập thể không xử lý văn bản trên Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; không đăng nhập sử dụng thư điện tử công vụ.

- Chưa thực hiện lưu trữ đầy đủ văn bản vào hồ sơ, chưa có thói quen lưu hồ sơ khi phát hành văn bản.

- Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương chưa đạt 100% theo mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

- Trang TTĐT của một số đơn vị chưa cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 42 của Chính phủ.

Về Kinh tế số

Tiếp tục triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số theo Kế hoạch số 947/KH-UBND ngày 17/4/2023 của UBND huyện thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử; mở tài khoản thanh toán điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử...

- Phòng Văn hóa và Thông tin đã phối hợp với Bưu điện huyện Tân Hưng, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng hỗ trợ đưa 09 sản phẩm OCOP lên quảng bá trên Trang thông tin điện tử huyện và sàn thương mại điện tử Bưu điện.

Tồn tại hạn chế

          - Chưa tổ chức được các buổi tuyên truyền tập huấn về thương mại điện tử trên địa bàn huyện. Thanh toán không dùng điền mặt vẫn chưa thực sự phổ biến.

Về Xã hội số

- Thực hiện quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua các kênh tương tác trên môi trường số. Trong năm 2024 UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành phối hợp xử lý 45 kiến nghị trên các lĩnh vực; có 44 phản ánh kiến nghị được xử lý đúng hạn đạt tỷ lệ 97,78%.

- Duy trì, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức cho tổ công nghệ số cộng đồng triển khai hướng dẫn người dân: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thiết lập mỗi người dân một tài khoản dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các nền tảng số của tỉnh; cách thức mua sắm, thanh toán trực tuyến, nhận diện các trang mua sắm trực tuyến đáng tin cậy; nhận diện các rủi ro về an toàn thông tin, biết cách tự bảo vệ mình trên không gian mạng; phòng tránh bị lừa đảo trực tuyến, bị đánh cắp dữ liệu cá nhân.

- Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel hỗ trợ triển khai chương trình khuyến mãi hỗ trợ điện thoại thông minh, điện thoại 4G cho người dân còn sử dụng điện thoại 2G theo lộ trình cắt sóng 2G của Bộ Thông tin và Truyền thông; cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho hộ nghèo và cận nghèo; cung cấp chữ ký số cá nhân; dịch vụ băng rộng cố định mặt đất cho người dân trên địa bàn huyện.

- Các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Tồn tại hạn chế

Việc triển khai dịch vụ viễn thông công ích cho hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện diễn ra còn chậm, còn có sự chồng chéo, trùng lặp trong việc triển khai đăng ký, thu thập thông tin ở các hộ nghèo, cận nghèo giữa các đơn vị viễn thông.

Kết quả triển khai các dự án, hoạt động ứng dụng CNTT

- UBND huyện Tân Hưng đã thực hiện ký kết thoả thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2024-2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn huyện với Viettel Long An với mục tiêu triển khai các hoạt động hợp tác, nghiên cứu tư vấn từng bước hỗ trợ huyện trong công tác xây dựng, phát triển hoàn thành các mục tiêu về Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và triển khai thực hiện chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội góp phần mang lợi ích chung cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

 - Thực hiện mua sắm và lắp đặt thiết bị truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông có 102 cụm truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông ở 07 đơn vị gồm: Hưng Hà, Hưng Thạnh, Thạnh Hưng, Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại, Vĩnh Bửu và 18 cụm do Sở Thông tin và Truyền thông đầu tư tại thị trấn Tân Hưng.

Công tác triển khai chuyển đổi số cấp xã

- Triển khai thực hiện nhân rộng mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn huyện theo Công văn số 855/UBND-VHXH ngày 09/02/2023 của UBND tỉnh.

- Huyện đã ban hành kế hoạch và tổ chức điều tra thông tin chuyển đổi số và triển khai các ứng dụng xây dựng chính quyền số, điều hành thông minh cấp xã ở 09 đơn vị xã, nâng số xã, thị trấn thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã lên 12/12 đơn vị đạt tỷ lệ 100%. Chỉ đạo các đơn vị tiếp tục cập nhật thông tin và khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống đã triển khai phục vụ quản lý toàn bộ hoạt động cấp xã trên môi trường mạng, giúp lãnh đạo có cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và hoạt động của xã.

Tồn tại hạn chế

- Hiện nay chưa có cơ chế quy định việc khai thác, quản lý và vận hành hệ thống phần mềm chuyển đổi số cấp xã. Các địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo cán bộ công chức cập nhật hoàn thiện cơ sở dữ liệu tổng thể cấp xã, chưa khai thác cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước cấp xã phục vụ công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành hoạt động của xã trên môi trường số.

          Về kết quản thực hiện 14 chỉ tiêu ưu tiên thực hiện trong năm 2024

- Trong năm 2024 huyện đã hoàn thanh 14/14 chỉ tiêu ưu tiên thực hiện. Trong đó chỉ tiêu số 13 tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến được đánh giá đạt lấy theo tỷ lệ tài khoản định danh viện tử VNeID.

PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2025

Trong năm 2025 huyện đã đề ra 17 chỉ tiêu nhiệm vụ về công tác chuyển đổi số cần tập trung thực hiện như sau:

1.    Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn trình đạt 80% (đối với các dịch vụ công trực tuyến cung cấp toàn trình).

2.    Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt trên 50% (đối với dịch vụ công có phát sinh giao dịch thanh toán).

3.    Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%

4.    Tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử đạt 100%.

5.    Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính đạt 90%.

6.    Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) tại cấp huyện đạt 80%; cấp xã đạt 60%.

7.    Tỷ lệ phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước đạt 100%, tỷ lệ triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ của các cơ quan nhà nước đạt 100%.

8.    UBND huyện có ít nhất 01 cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin đạt trình độ Cao đẳng công nghệ thông tin trở lên.

9.    Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản đạt 100%.

10. 100% các ấp, khu phố đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động; 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận dịch vụ Internet cáp quang băng rộng.

11. Tỷ lệ triển khai học bạ số đối với học sinh phổ thông đạt 100%.

12. Tỷ lệ các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn huyện triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 100%.

13. Tỷ lệ các cơ sở khám chữa bệnh triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID đạt 100%.

14. Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 90%.

15. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 92%.

16. Tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh được tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh đạt 50%.

17. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận, hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích đạt 90%.

Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi số năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của UBND huyện Tân Hưng.

THÔNG BÁO
 
BẢN ĐỒ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
THƯ VIỆN ẢNH