
Quán triệt triển khai chương trình hành động của Huyện ủy nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương V khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. UBND huyện đã tổ chức triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH sâu rộng trong toàn huyện. Ban hành Quyết định thành lập và thường xuyên kiện toàn, củng cố lại BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH huyện khi có thay đổi nhân sự. BCĐ huyện do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin làm Phó Trưởng ban thường trực. Các thành viên còn lại là Trưởng, phó các ban ngành, đoàn thể huyện. Có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan thành viên: Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin: hướng dẫn, tổ chức, triển khai thực hiện các mục tiêu công tác xây dựng đời sống văn hóa; theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện ở các ngành, địa phương, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả với Sở VH,TT&DL và Huyện ủy, UBND huyện. Các cơ quan, đơn vị huyện: tổ chức phổ biến, nghiên cứu quán triệt các nội dung của kế hoạch này, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể hàng năm của cơ quan, đơn vị mình để thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra. Phòng Tài chính - Kế hoạch: cân đối, phân bổ kinh phí cho Ban chỉ đạo công tác xây dựng đời sống văn hóa từ huyện đến cơ sở đảm bảo thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện: Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng đời sống văn hóa. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các Đoàn thể huyện: Chỉ đạo cơ sở tích cực phối hợp với ngành Văn hóa và Thông tin trong việc vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu, chính sách về công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…
Cấp xã - thị trấn cũng thành lập BCĐ và thường xuyên củng cố, kiện toàn, bổ sung, thay đổi nhân sự phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng đời sống văn hóa, hàng năm xây dựng kế hoạch hành động cụ thể về công tác xây dựng đời sống văn hóa phù hợp với điều kiện ở cơ sở mình, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của huyện.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện đã tham mưu Huyện ủy và ban hành các văn bản nhằm chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào có hiệu quả như: Nghị quyết chuyên đề số 06/NQ-HU ngày về công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị Quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Chương trình số 17-CTr/HU ngày 26/6/2012 về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”; Kế hoạch thực hiện Chương trình số 38-CTr/TU ngày 17/10/2014 của Tỉnh ủy Long An thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chỉ thị số 24-CT/HU ngày 08/8/2016 về tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Tân Hưng; Công văn số 606-CV/HU ngày 05/3/2018 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Công văn số 1259-CV/HU ngày 08/5/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào TDĐKXDĐSVH huyện; Công văn số 846-CV/HU ngày 17/2/2023 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2023…
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm và đẩy mạnh. Bên cạnh đó, luôn quan tâm việc thực hiện nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học, ấp - khu phố và mỗi gia đình thực sự là môi trường văn hóa lành mạnh để hình thành nhân cách con người... Việc xây dựng, công nhận các danh hiệu văn hóa như gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới theo hướng nâng cao chất lượng theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, huyện được quan tâm. Hàng năm, BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH huyện đã tiến hành chấm điểm kết quả thi đua thực hiện phong trào này tại các xã, thị trấn và kiểm tra công nhận mới, phúc tra công nhận lại các ấp, khu phố văn hóa được thực hiện nghiêm túc. Đẩy mạnh và thực hiện tốt phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng nếp nghĩ, nếp sống văn hóa trong từng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, góp phần làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống, góp phần tích cực vào việc đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, đơn vị, khu dân cư... đều phấn đấu để xây dựng môi trường làm việc, học tập, sinh sống lành mạnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, đưa vào quy ước ở ấp - khu phố để nhân dân cam kết thực hiện như: không sinh con thứ 3 trở lên, không mở nhạc sống gây ồn ào ở khu dân cư và vi phạm thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng, đám tang không để quá thời gian quy định… Đồng thời, Đội kiểm tra văn hóa, thông tin và truyền thông từ huyện đến các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thông tin và truyền thông trên địa bàn huyện để chấn chỉnh, nhắc nhở kịp thời.
Mô hình xây dựng gia đình văn hóa được đại đa số nhân dân đồng tình hưởng ứng và cùng nhau thực hiện. Qua 25 năm thực hiện, hộ GĐVH được nâng lên về chất lượng lẫn số lượng, nếu năm 2001 toàn huyện chỉ có 3.164/5.968 hộ đạt GĐVH (53%) thì đến năm 2024 có 12.101/12.598 hộ đạt GĐVH (96.05%). Nhìn chung, hầu hết các địa phương đã chỉ đạo và thực hiện tốt việc bình xét gia đình văn hóa theo đúng quy trình, công khai, dân chủ, công bằng, vì vậy chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Với phương châm khẳng định mô hình gia đình văn hóa là xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng xã hội phát triển ổn định, bền vững.
Bên cạnh đó, luôn gắn việc xây dựng gia đình văn hóa với công tác phòng chống bạo lực gia đình, xem đây là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm trong quá trình xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện tốt công tác này, hàng năm huyện đã tổ chức các hoạt động truyền thông như tổ chức hội thi nấu ăn và họp mặt, hội thi gia đình tài năng - duyên dáng, hội thi kiến thức gia đình, tổ chức nói chuyện chuyên đề, tọa đàm… nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, ngày gia đình Việt Nam 28/6. Qua đây, nhằm tuyên truyền nâng cao kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình, tìm hiểu các quy định về hôn nhân gia đình, sức khỏe sinh sản. Từ đó, góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Năm 2001, có 01 ấp văn hóa (ấp Tre Một, xã Hưng Điền), từ năm 2019 đến năm 2023, toàn huyện có 54/54 ấp, khu phố văn hóa (100%), năm 2024 có 37/54 ấp, khu phố văn hóa. BCĐ huyện luôn chú trọng đến chất lượng các ấp, khu phố văn hóa đã được công nhận nên thường xuyên chỉ đạo xã, thị trấn không ngừng củng cố Ban chủ nhiệm ấp, khu phố; hoàn thiện quy chế, qui ước, nâng cao chất lượng hoạt động của các Nhà Văn hóa ấp, khu phố. Đồng thời, BCĐ huyện tham mưu cho UBND huyện sửa đổi, bổ sung quy ước ấp - khu phố văn hóa như bổ sung chính sách DS - KHHGĐ, chính sách bình đẳng giới vào trong quy ước. Toàn huyện có 54/54 ấp - khu phố có Nhà văn hóa, tuy nhiên các thiết chế này chưa đạt chuẩn theo quy định chỉ đảm bảo việc sinh hoạt, hội họp của nhân dân.
Phong trào xây dựng ấp, khu phố văn hóa là kết quả tổng hợp của nhiều phong trào, luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ, các ngành, đoàn thể và sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự chuyển biến tích cực, rõ nét trên địa bàn dân cư, góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng dân cư ngày càng phát triển. Toàn huyện có 12/12 xã - thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm, nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tham gia xây dựng mô hình tự quản ấp, tự hòa giải các mâu thuẫn nội bộ, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh trật tự địa phương.
Đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới, đây là kết quả thể hiện toàn diện hoạt động của các mô hình như xây dựng GĐVH, xây dựng ấp - khu phố văn hóa, gương người tốt việc tốt… trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương, cơ sở. Vì thế, BCĐ từ huyện đến cơ sở luôn tập trung lãnh chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Hàng năm, BCĐ huyện đều tổ chức đoàn kiểm tra, phúc tra các xã văn hóa nông thôn mới và các xã đang trong lộ trình xây dựng xã văn hóa nông thôn mới để đánh giá chất lượng cũng như có giải pháp tập trung đầu tư theo lộ trình cho những xã phấn đấu đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Nếu năm 2000, chưa có xã văn hóa thì đến năm 2024 toàn huyện có 08 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới (Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Thạnh, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi) theo Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/11/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”. Thực hiện Thông tư số 06/2022/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 23/9/2022 về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong đó có Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL đã bãi bỏ. BCĐ huyện tiếp tục hướng dẫn các đơn vị thực hiện các tiêu chí văn hóa trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Nhìn chung, chất lượng của mô hình xã văn hóa nông thôn mới, thị trấn văn minh đô thị về cơ bản được nâng lên rõ nét so với lúc mới công nhận, hiệu quả của việc thực hiện các tiêu chí xã văn hóa cũng đã góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình xã văn hóa cũng còn không ít những khó khăn, trở ngại. Cụ thể như các tiêu chí đường nhựa đến trung tâm xã, xây dựng Trung tâm VH-TT&HTCĐ, xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế… thì cần đến sự đầu tư của nguồn ngân sách tỉnh; Các tiêu chí như không sinh con thứ ba trở lên, Đảng bộ phải trong sạch vững mạnh, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… thì đòi hỏi phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị mới đạt hiệu quả; Cảnh quan môi trường chưa thật sự xanh, sạch, đẹp; một bộ phận người dân ý thức chưa cao trong bảo vệ môi trường; về trách nhiệm của người dân trong việc đóng góp xây dựng xã văn hóa - nông thôn mới… Thị trấn Tân Hưng được tỉnh công nhận là thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị năm 2018. Năm 2023, thị trấn Tân Hưng đăng ký thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và tiếp tục thực hiện các tiêu chí thị trấn đô thị văn minh theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với 9 tiêu chí 52 nội dung cụ thể, thị trấn đang tập trung để thực hiện để hoàn thành các tiêu chí.
Có thể nói, phong trào xây dựng mô hình xã văn hóa nông thôn mới, xây dựng thị trấn đô thị văn minh đã góp phần làm chuyển biến tích cực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là vùng nông thôn được nâng lên rõ rệt; văn hóa, giáo dục, y tế có bước phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; cảnh quan môi trường được cải thiện, hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi, người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó hơn.
Việc thực hiện Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa luôn được quan tâm thực hiện tốt. Năm 2001, có 51/51 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn cơ quan văn hóa đến năm 2024 có 127/127 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa (đạt 100%). Đây là mô hình gắn với việc khắc phục theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” và tu dưỡng, rèn luyện của tập thể, cá nhân theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã nêu cao vai trò trách nhiệm của từng cá nhân trong xây dựng cơ quan, đơn vị; ưu điểm của việc thực hiện mô hình này là động lực để các cơ quan, đơn vị thi đua phấn đấu trong công tác chuyên môn, trong mối quan hệ ứng xử và quản lý điều hành cũng như giữ gìn và phát huy thế mạnh của cơ quan, đơn vị, đồng thời xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị cả về tổ chức bộ máy và nét đẹp công sở. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị thiếu quan tâm tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị theo nội dung mô hình của phong trào nên chất lượng đạt được ở một số tiêu chuẩn chưa cao.
Công tác phối hợp tổ chức thực hiện phong trào giữa cơ quan thường trực với UB MTTQ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể luôn được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả. BCĐ huyện thường xuyên được kiện toàn, củng cố, xây dựng Quy chế hoạt động, từng thành viên được phân công phụ trách từng địa bàn ở cơ sở và phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng để thực hiện có hiệu quả phong trào. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức triển khai nhiều hoạt động gắn với ngành, lĩnh vực mình phụ trách góp phần thực hiện tốt phong trào “TDĐKXDĐSVH”, điển hình như: Ban Tuyên giáo Huyện ủy với phong trào thực hiện tốt việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”, tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11; Ngành Công An huyện với phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện với phong trào xã - thị trấn, ấp - khu phố không có người sinh con thứ ba trở lên; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Hội Nông dân với phong trào xây dựng “Gia đình nông dân văn hóa”; Phòng LĐ-TB&XH huyện với công tác giải quyết việc làm - giảm nghèo; Liên đoàn Lao động huyện với phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa”…
Hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện đã tổ chức triển khai kế hoạch, phương hướng hoạt động, thang điểm giao ước thi đua đến các xã, thị trấn thông qua hội nghị Sơ kết phong trào TDĐKXDĐSVH. Qua đó, huyện đã khen thưởng cho 325 tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong phong trào TDĐKXDĐSVH.
Qua thời gian tổ chức, triển khai thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả bước đầu. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa có sự đổi mới. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa được chú trọng. Hiệu quả của phong trào TDĐKXDĐSVH, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua trên các lĩnh vực khác đã đem lại sự phát triển trong đời sống vật chất tinh thần cho người dân, hướng đến hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-VH-XH.
Phong trào TDĐKXDĐSVH tiếp tục được triển khai sâu rộng trong nhân dân, được đông đảo nhân dân thực hiện tham gia hưởng ứng góp phần nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Các chỉ tiêu về phát triển phong trào đạt và vượt so với Nghị quyết đã đề ra. Thông qua phong trào đã phát huy tình đoàn kết, tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, giải quyết việc làm từng bước vươn lên làm giàu. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh.