Theo HCDC ( Trung tâm kiểm soát bệnh tật) Human metapneumovirus (HMPV) không phải là virus mới, đây là một trong số các tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em và đã được ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiếm tỷ lệ thấp (12.5% ở trẻ em) so với các tác nhân khác như rhinovirus (44,6%), virus hô hấp hợp bào RSV (41,1%), cúm A (25%).
Human metapneumovirus (HMPV) là một loại virus thuộc họ Pneumoviridae, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2001. HMPV có liên quan đến virus hợp bào hô hấp (RSV) và là một trong các tác nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp trên và dưới cho trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy giảm.
Virus này lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua bề mặt nhiễm virus, với nguy cơ gia tăng cao trong mùa đông và đầu mùa xuân.
Hiện nay, HMPV chưa có vắc xin phòng ngừa hoặc thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, việc hiểu biết về bệnh và thực hiện các biện pháp phòng dịch là điều quan trọng.
* Triệu chứng bệnh: khởi phát khoảng 3-5 ngày kể từ khi nhiễm HMPV, các triệu chứng ban đầu giống như triệu chứng của cúm thông thường: Sốt, ho, đau họn , chảy nước mũi….
Trong trường hợp, bệnh diễn tiến nặng hơn ( đặc biệt là Khi đồng nhiễm Metapneumovirus cùng các vi khuẩn, virus khác, bệnh nhân lớn tuổi có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch, trẻ suy dinh dưỡng ), có thể gây Viêm phổi nặng, Suy hô hấp .. người bệnh sẽ có các triệu chứng như: Sốt cao hơn, khó thở, khò khè, ho khạc đàm đặc, đục có thể da tím tái …có dấu hiệu tổn thương phổi khi chụp X-quang..
* Các phương pháp điều trị hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chủ yếu là điều trị triệu chứng, nhiễm trùng và ngăn ngừa xuất hiện biến chứng, gồm:
- Dùng thuốc hạ sốt (paracetamol hoặc ibuprofen) với liều lượng phù hợp khi bệnh nhân sốt cao;
- Uống nhiều nước, nhất là các loại nước ép hoa quả hoặc dung dịch bù nước và điện giải oresol để cân bằng điện giải, bổ sung lượng nước bị mất đi do sốt, nôn ói;
- Thực hiện phương pháp khí dung khi bệnh nhân xuất hiện tình trạng co thắt;
- Hỗ trợ hô hấp bằng các phương pháp thở oxy, máy thở khi bệnh nhân bị suy hô hấp;
- Cân chỉnh chế độ dinh dưỡng để bổ sung năng lượng và nâng cao sức đề kháng cho bệnh nhân;
- Sử dụng các loại thuốc trị ho, sổ mũi,… theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Diễn tiến, thông thường, các trường hợp viêm phổi ở mức độ nhẹ, bệnh sẽ tự hết sau khoảng 7 ngày nếu được chăm sóc và hỗ trợ điều trị đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp diễn biến nặng thì bệnh nhân cần được đưa ngay đến bệnh viện để được hỗ trợ, điều trị khi xuất hiện dấu hiệu bất thường như:
- Sốt cao liên tục. Sốt trên 39 độ và không có dấu hiệu hạ thân nhiệt sau khi đã dùng thuốc hạ sốt;
- Khó thở; thở nhanh nông, Khò khè nhiều;
- Ăn kém, bỏ ăn, bỏ bú;
- Tím môi, tím đầu chi;
Metapneumovirus chưa có vacxin phòng ngừa, tuy nhiên chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau:
- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể: ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất và uống đủ nước mỗi ngày; ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái, thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao;
- Hạn chế đồng thời nên đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người khi dịch bệnh bùng phát;
- Tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu mắc các bệnh về đường hô hấp; thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc nước rửa tay có cồn khử khuẩn; súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn; Hạn chế dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác;
- Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ; Không hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, khói thuốc lá;
- Tiêm vacxin đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế để nâng cao sức đề kháng của cơ thể đặc biệt là người có bệnh nền và trẻ em…
- Thực hiện phương pháp điều trị dự phòng khi có dấu hiệu viêm phổi và đến bệnh viện ngay khi bệnh trở nặng, nghi ngờ viêm phổi.