Tân Hưng là một trong những huyện biên giới thuộc khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, với diện tích tự nhiên là 50.187,61 ha (trong đó có 44.309,38 ha sản xuất nông nghiệp), dân số hơn 48 ngàn người, có 90% dân số sản xuất nông nghiệp; đơn vị hành chính được chia thành 11 xã và 01 thị trấn (trong đó có 03 xã biên giới, với chiều dài đường biên giới là 15,814 km); có Đồn Biên phòng Sông Trăng đóng trên địa bàn xã Hưng Hà; có Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen với diện tích trên 2.500 ha, đây là nơi có các đặc tính nguyên thủy để bảo tồn tính đa dạng sinh học, đặc trưng cho vùng đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười của huyện và tỉnh, năm 2015 được công nhận là khu RAMSAR thứ 7 của Việt Nam và thứ 2227 thế giới. Trên địa bàn huyện đã hình thành một cửa khẩu phụ (Tân Hưng - Svai À Ngoong) bước đầu tạo điều kiện thuận lợi khai thác tiềm năng kinh tế vùng biên giới của huyện.
Sản xuất nông nghiệp được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững, nhất là trên cây lúa với diện tích, sản lượng hàng năm đều vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra; Giáo dục và đào tạo tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; đầu tư cho giáo dục ngày càng tăng, mạng lưới trường lớp tiếp tục được sắp xếp, hoàn thiện, mở rộng theo hướng đạt chuẩn quốc gia (hiện có 18/32 trường đạt chuẩn quốc gia);
Thương mại - dịch vụ phát triển ổn định. Thu - Chi ngân sách đảm bảo, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện. Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Quốc phòng - an ninh, nội chính được giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Về tổ chức bộ máy hành chính: Tổng số có 12 cơ quan chuyên môn; 04 đơn vị sự nghiệp công lập và 32 đơn vị trường học trực thuộc UBND huyện. Nhìn chung bộ máy hành chính được sắp xếp theo hướng tin gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước đổi mới thể chế hành chính trên các lĩnh vực, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được kiện toàn, chất lượng được nâng lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân; công tác quản lý môi trường, trật tự giao thông có lúc, có nơi chưa thật sự đảm bảo; tệ nạn xã hội sử dụng trái phép chất ma túy trong cộng đồng dân cư đã được kiềm chế, đẩy lùi như nguy cơ còn tiền ẩn phức tạp…
Từ thực trạng trên và sau khi tiếp thu các Luật thực hiện dân chủ trực tiếp và Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thi hành Luật. UBND huyện Tân Hưng xây dựng Kế hoạch về việc triển khai thi hành Luật. Đồng thời, triển khai đến các cơ quan, đơn vị huyện và UBND các xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ phân công đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, quán triệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả đưa việc xây dựng và thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở đi vào nề nếp.
Các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức triển khai các văn bản có liên quan đến việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa để triển khai trên địa bàn huyện, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. UBND huyện Tân Hưng đã ban hành Kế hoạch phối hợp số 06-KHPH/BDVHU-UBND ngày 25/3/2021 giữa Ban Dân vận Huyện ủy và UBND huyện "về việc phối hợp tổ chức thực hiện công tác Dân vận chính quyền giai đoạn 2021-2025", Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch thi đua dân vận khéo trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 1439/KH-UBND, ngày 15/6/2023 của UBND huyện triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Huyện tiếp tục triển khai quán triệt Chỉ thị 33-CT/TW-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới: Văn bản số 13292/UBND-THKSTTHC ngày 28/12/2021 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền trong tình hình mới; Kết luận số 54-KL/TW ngày 09/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái "tự diễn biến", " tự chuyển hóa" trong nội bộ. Trên cơ sở đó, UBND huyện ban hành văn bản "Về việc tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp" trên địa bàn huyện. Tăng cường niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính, công tác tiếp công dân, đối thoại với Nhân dân, thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những nội dung có liên quan đến người dân được quan tâm chú trọng thực hiện.
Với những kết quả triển khai đồng bộ và hiệu quả. Từ đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quản lý, điều hành, nâng cao ý thức phục vụ Nhân dân; làm tốt công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của Nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện hiệu quả việc giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp ngày càng trong sạch vững mạnh. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng báo cáo tự kiểm tra hoạt động của các Ban Chỉ đạo QCDC các cơ quan, đơn vị theo kế hoạch năm 2023; tổ chức giao ban, sơ kết, tổng kết theo quy chế hoạt động, đồng thời nhân rộng các điển hình, mô hình thực hiện tốt QCDC ở cơ sở.
Bên cạnh đó các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã tăng cường thực hiện pháp luật về dân chủ trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng Nhân dân thông qua các hình thức niêm yết công khai các nội dung chính có hiệu quả, được cán bộ, nhân dân quan tâm như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hằng năm và kết quả thực hiện; Dự toán ngân sách nhà nước; các Dự án, công trình đầu tư trên địa bàn và tiến độ thực hiện; kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình đầu tư; kế hoạch quản lý, sử dụng quỹ đất; kế hoạch cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích; Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách; Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương; Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án; các khoản huy động Nhân dân đóng góp; Các chủ trương, chính sách, kế hoạch, tiêu chí, đối tượng, quy trình bình xét và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, trợ cấp, tín dụng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế; Các thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân do chính quyền địa phương thực hiện.
Ngoài việc thực hiện niêm yết công khai theo quy định, các cơ quan, đơn vị, MTTQ các ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn còn thường xuyên phối hợp thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng các chuyên mục phát trên hệ thống đài phát thanh; Thông qua các cuộc họp, đối thoại, tiếp xúc cử tri...để triển khai cho cán bộ và nhân dân nắm biết một cách cụ thể, sâu rộng, nâng cao nhận thức trong Nhân dân về việc đóng góp ý kiến trực tiếp cho chính quyền các cấp thực hiện các nội dung liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thực hiện Quyết định số 1991-QĐ/TU ngày 07/7/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa Bí thư cấp ủy Đảng với nhân dân: Trong năm đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Huyện ủy với Nhân dân với chủ đề "Thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới" ở xã Vĩnh Bửu, Chủ tịch UBND huyện đối thoại với người dân về lĩnh vực CCHC và giải quyết việc làm đối với thanh niên; Bí thư Đảng ủy và CT UBND các xã, thị trấn tổ chức được 24 cuộc; đa số các ý kiến được tiếp thu, giải trình tại buổi đối thoại được Nhân dân đồng thuận cao.
Trong thời gian qua việc tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền của các cấp, các ngành từ huyện đến các xã được quan tâm tổ chức thực hiện. Tinh thần, thái độ của nhân dân trong việc đóng góp ý kiến ngày càng nghiêm túc và có hiệu quả, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội; an ninh - quốc phòng, việc xây dựng Nông thông mới, xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa... Những hình thức lấy ý kiến của Nhân dân tham gia bàn bạc, đóng góp sửa chữa, bổ sung và biểu quyết vào quy ước của ấp; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng ấp, khu phố; bầu, bãi nhiệm thành viên Ban Thanh tra Nhân dân đã được cơ sở thực hiện từng bước đi vào nề nếp, phát huy dân chủ. Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến như: Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hộ; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dự thảo kế hoạch triển khai các chương trình, dự án; chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tái định cư; phương án quy hoạch sử dụng đất và những nội dung khác cần phải lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc Chính quyền cấp xã thấy cần thiết. Việc lấy ý kiến nhân dân thông qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc cử tri và các cuộc họp của các ngành, trong cơ quan, đơn vị và tại khu phố, ấp. Các ý kiến của Nhân dân đều được ghi nhận và giải trình, giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
UBND huyện duy trì trực, tiếp công dân vào ngày thứ hai hàng tuần, để giải quyết kịp thời những kiến nghị, thắc mắc, khiếu nại đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Ngoài ra, hàng tháng UBND huyện họp thường kỳ để xem xét và giải quyết các nội dung đề nghị của Nhân dân, đảm bảo ổn định, không có những vấn đề bức xúc xảy ra. Các nội dung ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đều được UBND huyện, các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn tập trung giải quyết kịp thời, công khai kết quả giải quyết cho công dân nắm biết và thực hiện đảm bảo theo quy định.
Trong năm 2023, việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được UBND huyện, Ban tiếp công dân huyện và UBND các xã, thị trấn được tập trung thực hiện đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Công tác đấu tranh đối với những hành vi tiêu cực được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng thực hiện bằng đối thoại, điều chỉnh hay phản bác trên các trang mạng xã hội hoặc trong nội bộ quần chúng nhân dân. Để đấu tranh phản bác các hành vi tiêu cực trong xã hội, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thường xuyên thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tiếp tục đổi mới hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên; trang bị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân những kỹ năng cần thiết để nhận biết, ứng phó và đồng lòng đẩy lùi thông tin xấu độc, cố ý chống phá Đảng và Nhà nước.
Các cơ quan, đoàn thể, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên quan tâm, nắm bắt dư luận xã hội, ý kiến trong cộng đồng dân cư kiên quyết đấu tranh với những tổ chức, cá nhân lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Từ đó, kịp thời phát hiện xử lý những đối tượng có hành vi chống đối, nói xấu, xuyên tạc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm chấn chỉnh, răn đe, không để lợi dụng dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm phạm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Đạt được những kết quả trên là do cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở, nhất là người đứng đầu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ việc xây dựng và thực hiện dân chủ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt gắn với việc phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Vì vậy các cấp chính quyền, các ngành chức năng kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhân dân. Các quy định pháp luật ngày càng hoàn thiện và được phổ biến đến người dân, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy quyền làm chủ.
Để việc thực hiện pháp luật về dân chủ trực tiếp được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, UBND huyện Tân Hưng đề ra những nhiệm vụ cần thực hiện như: Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện các Luật dân chủ trực tiếp. Ban Chỉ đạo các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chủ động nắm bắt tình hình cơ sở, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân; phối hợp giải quyết có hiệu quả những bức xúc, những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bí thư cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo định kỳ và đột xuất khi có những vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài... Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử như: Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng, các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở; thực hiện tốt hoạt động giám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề cử tri quan tâm. Nâng lên hiệu lực, hiệu quả điều hành của ủy ban nhân dân các cấp, đề cao ý thức trách nhiệm và tính chủ động trong công tác nắm và dự báo tình hình, thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác phối hợp trong việc giải quyết công việc và giải quyết những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của cử tri.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về "quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã hội" và "quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền". Đẩy mạnh các hoạt động tập hợp quần chúng, phát triển và quản lý đoàn viên, hội viên; rà soát, nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên của các đoàn thể. Làm tốt công tác dân vận trong hệ thống cơ quan nhà nước gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở và tham gia giải quyết có hiệu quả các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân.
Hà Phương