Công tác thông tin tuyên truyền
Công tác tuyên truyền trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới luôn được các cấp ủy đảng, ban, ngành, tổ chức chính trị- chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở thực hiện thường xuyên và liên tục trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm làm cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nhất là hiểu vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới để từ đó người dân tự giác và tích cực tham gia thực hiện. Người dân hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền đa dạng bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên sóng phát thanh, trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, ký kết Hợp đồng với Tạp chí Nông thôn Việt tuyên truyền về xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn huyện. Trong giai đoạn 2021-2024, đã đăng tải 60 bài viết trên trang điện tử Tạp chí Nông thôn Việt, nội dung tuyên truyền về huy động sức dân xây dựng Nông thôn mới, xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường gắn với xây dựng Nông thôn mới,...Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện thực hiện chuyên đề Xây dựng đời sống văn hóa - Nông thôn mới định kỳ vào chiều thứ 3 và phát lại vào sáng thứ 4 hàng tuần, đã thực hiện được 52 chuyên đề, 91 tin, bài, câu chuyện xóm làng,…
Tổng nguồn lực huy động vốn Chương trình MTQG XD NTM giai đoạn 2021-2024: 799.009,2 triệu đồng; đã thực hiện 766.499,6 triệu đồng, đạt 95,2% Kế hoạch.
Kết quả đạt được
Về quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Đã thực hiện lập đồ án quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã trên địa bàn huyện, đến nay huyện đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch 10/11 xã (Riêng xã Hưng Điền B đã lập đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 Đô thị mới Hưng Điền B định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh Long An phê duyệt tại Quyết định số 2961/QĐ-UBND ngày 24/8/2020). Tổng nguồn vốn thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã: 1.424.135.000 đồng (Bằng chữ: Một tỷ, bốn trăm hai mươi bốn triệu, một trăm ba mươi lăm ngàn đồng).
Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội
Về giao thông: số xã đạt tiêu chí theo Quyết định số 8151/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh Long An ban hành Bộ tiêu chí xã NTM và Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025: 05/11 xã được công nhận xã nông thôn mới (Hưng Thạnh, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Châu B, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi) đang tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo quyết định mới.
Về thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh.
Về điện, nước sạch: Ngành điện đã tập trung đầu tư lưới điện về đến nông thôn; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đến nay đạt trên 99,8%. Chương trình đầu tư nước sạch nông thôn được quan tâm đầu tư, đến nay trung tâm ấp, xã đều có nước sạch.
Về thông tin liên lạc: Có bước phát triển, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng ở địa phương, tỷ lệ sử dụng điện thoại và internet hàng năm đều tăng. Các trung tâm xã đều xây dựng Bưu điện văn hóa.
Cơ sở vật chất văn hóa được huyện quan tâm đầu tư xây dựng
Về Cơ sở vật chất Văn hóa: Hiện nay, huyện có 09/11 xã có Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Học tập cộng đồng đạt chuẩn (Vĩnh Bửu, Hưng Thạnh, Vĩnh Thạnh, Hưng Điền, Hưng Điền B, Vĩnh Đại, Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B, Vĩnh Lợi); có 54/54 ấp có Nhà văn hóa.
Về trường học: Hiện nay, huyện có 10/11 xã đạt chuẩn (Vĩnh Bửu, Hưng Hà, Vĩnh Châu A, Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Thạnh, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu B), các trường còn lại do sáp nhập trường nên chưa được tỉnh công nhận, hiện nay các xã đang tiếp tục thực hiện theo lộ trình.
Về Chợ nông thôn: Hiện nay huyện có 11/11 xã đạt tiêu chí này. Trong đó, có 05/11 xã có chợ đạt chuẩn (Hưng Thạnh, Vĩnh Thạnh, Hưng Điền, Hưng Điền B, Vĩnh Đại), 05 xã còn lại do không có nhu cầu xây chợ nên đã đề nghị điều chỉnh quy hoạch không xây dựng chợ nông thôn (Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B, Thạnh Hưng, Hưng Hà, Vĩnh Bửu), xã Vĩnh Lợi quy hoạch là nơi trao đổi hàng hoá.
Về Y tế: Mạng lưới y tế được củng cố và phát triển, các Trạm y tế được đầu tư và nâng cấp, từng bước đạt chuẩn quốc gia về y tế; đội ngũ cán bộ y tế ngày càng được đào tạo chuẩn hóa, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đến nay đã có 11/11 xã có bác sĩ, có 10/11 xã đạt về tiêu chí Y tế (Hưng Thạnh, Vĩnh Thạnh, Thạnh Hưng, Hưng Điền, Hưng Hà, Vĩnh Đại, Vĩnh Châu A, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu B, Vĩnh Bửu).
Về Giáo dục: Hệ thống mạng lưới trường lớp được bố trí hợp lý, phù hợp với quy hoạch, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp hàng năm đều tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm, chất lượng giáo dục ngày được nâng lên, kết quả công tác Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở tiếp tục duy trì, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở các cấp học đạt Kế hoạch, có 11/11 xã đạt về tiêu chí Giáo dục và đào tạo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm nay đạt 60,86%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ nghề đạt 100%. Hiện nay trên địa bàn huyện, có 06/11 xã đạt về tiêu chí này (Hưng Thạnh, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Châu B, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, Vĩnh Bửu).
Về Văn hóa - Xã hội: Triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ của người dân; Đến nay có 54/54 ấp đạt tiêu chuẩn Ấp Văn hóa theo quy định của Bộ VH,TT&DL.
Về Môi trường: Ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường ngày được nâng lên, các cơ sở sản xuất kinh doanh đều đạt tiêu chuẩn về môi trường, không có các hoạt động gây suy giảm môi trường, nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch, riêng nước thải, chất thải, tỷ lệ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải rắn y tế hiện nay chưa được thu gom xử lý theo quy định do các xã chưa xây dựng bãi rác tập trung đúng tiêu chuẩn của ngành Môi trường, cùng với đó theo quy định mới thì đa số các hộ gia đình vẫn chưa phân loại chất thải rắn tại nguồn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 06/11 xã đạt về tiêu chí này (Hưng Thạnh, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Châu B, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, Vĩnh Bửu).
Về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân
Kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững: Đến nay, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện 13.924ha lúa ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) đạt 115% Kế hoạch, lợi nhuận cao hơn bên ngoài mô hình 01-03 triệu đồng/ha.
Đến nay trên toàn huyện có 09 sản phẩm OCOP đạt 03 sao: Mật ong Phụng lành (Hộ kinh doanh Phụng Lành, xã Vĩnh Lợi); Mắm cá Kho, Mắm cá Lóc, Mắm cá Linh (Hộ kinh doanh Mắm cá đồng Cô Thưa, xã Vĩnh Bửu); Khô cá Lóc, Khô cá Chạch, Khô cá Chốt, Khô cá Trèn, Khô cá Trê (Hộ kinh doanh Khương – Gái, thị trấn Tân Hưng).
Về thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến cuối năm 2023 trên địa bàn huyện: Đạt > 56 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên thì việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện còn một số hạn chế như sau: Cán bộ phụ trách nông thôn mới tại một số xã chưa được phân công phù hợp với chức danh và kiêm nhiệm nhiều công việc nên còn hạn chế về năng lực, công tác tham mưu lãnh đạo đôi khi chưa chặt chẽ và chưa kịp thời; Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được quan tâm, tuy nhiên là huyện nông nghiệp nên việc đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, người dân sau khi tham gia các lớp tập huấn không có việc làm ổn định nên một số người chưa tích cực tham gia học nghề; Nguồn vốn đầu tư nông thôn mới chủ yếu thực hiện lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác nên tiến độ thực hiện các tiêu chí gặp khó khăn; Môi trường nông thôn mặc dù được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề bức xúc tại một số địa phương như: Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn do rác thải, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang là vấn đề đang được huyện quan tâm. Vệ sinh cảnh quan, công viên hành lang chưa được chú trọng, tinh thần trách nhiệm đóng góp của một số hộ dân chưa được nâng cao, vai trò giám sát của các đoàn thể còn hạn chế…
Để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện trong thời gian tới cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Thực hiện tốt công tác tổ chức, bộ máy quản lý điều hành thực hiện Chương trình ở các cấp. Thường xuyên rà soát, kịp thời củng cố tổ chức khi có thay đổi về nhân sự, đảm bảo hoạt động liên tục và có hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát trong thực hiện Chương trình, để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trong xây dựng NTM. Lồng ghép các nội dung tuyên truyền vận động với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Xác định huy động và sử dụng nguồn lực là giải pháp then chốt, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình. Từ đó chỉ đạo các đơn vị sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả đồng thời huy động mọi nguồn lực lồng ghép thực hiện các nội dung Chương trình. Ưu tiên thực hiện nội dung phát triển hạ tầng nông thôn; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn. Tập trung đầu tư hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất.
Bảo Trân